Tin khác, Tin tức sự kiện

Người dân có thể tự sản xuất điện để bán cho EVN

20180516 140936 scaled

Lãnh đạo EVN cho biết doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh việc phát triển điện mặt trời áp mái tại mỗi hộ dân. Người dân có thể sản xuất điện và bán lại cho EVN nếu không dùng hết.

Chiều 30/11, Bộ Công Thương tổ chức công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu do đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, VCCI và Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng công bố.

EVN LÃI NHƯNG TREO KHOẢN CHÊNH LỆCH TỶ GIÁ KHOẢNG 10.000 TỶ

Áp lực tăng giá điện, thiếu điện trong thời gian tới là những vấn đề nóng ngay từ đầu cuộc họp được báo chí quan tâm. Đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, cho biết năm 2017, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN là 291.278,46 tỷ đồng, giá thành sản xuất là 1.667,77 đồng/kWh.

Trong khi đó doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng, tính ra giá bán là 1.660,19 đồng/kWh. Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện, EVN lỗ khoảng 1.323 tỷ đồng. Tuy nhiên tính thêm một số khoản thu nhập khác ngoài điện, năm 2017 EVN có tổng lãi khoảng 2.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN vẫn đang “treo” khoảng 10.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, vẫn chưa tính vào giá điện. Khoản chênh lệch này sẽ được phân bổ dần vào giá thành sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết một số yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện như than, giá dầu, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tỷ giá… làm áp lực tăng giá điện trong thời gian tới. Hiện EVN đang xây dựng kịch bản tăng giá điện trong năm 2019, báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ.

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, cho rằng năm 2019 cả nước về cơ bản không thiếu điện. Nguồn thủy điện do thiếu nước nghiêm trọng nên sản lượng sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh. Khi đó, EVN phải huy động các nguồn điện khác nhau nhiệt điện chạy dầu, nhiệt điện than, năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời.

“Tôi khẳng định 2019-2020 chúng ta không thiếu điện, công suất vẫn có thể đảm bảo. Vấn đề là chúng ta vận hành nguồn điện nào, với giá nào thôi”, ông nói.

Phân tích thêm, ông Tri cho biết thủy điện là nguồn năng lượng rẻ. Khi huy động nhiệt điện than, EVN đứng trước áp lực giá than đang tăng. Từ 5/12, Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chào giá than tăng khoảng 5% so với hiện nay.

Theo kế hoạch năm 2019, EVN có thể huy động 116-120 tỷ kWh nhiệt điện chạy than. Từ đó cần sử dụng khoảng 54 triệu tấn than. Nguồn nhập than trong nước khoảng 44 triệu tấn, còn lại 10 tấn nhập khẩu nước ngoài. Chuyện thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện đã cơ bản được giải quyết.

HỘ DÂN BÁN ĐIỆN CHO EVN

Tuy nhiên, về dài hạn từ 2020, ông Đinh Quang Tri cho biết tình trạng thiếu điện là hiện hữu do cả nước không có nguồn khai thác mới, trong khi nhu cầu tăng trưởng lên tới 10%/năm. Một giải pháp quan trọng, tránh quá tải đang được EVN kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian tới là điện áp mái.

“Mỗi gia đình, trên mái nhà có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10 kW, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải. Đối với xã hội đấy là giải pháp tốt nhất”, ông nói.

Theo lãnh đạo EVN, khi lắp đặt được công suất đó, mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện chạy các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN. Với những gia đình sử dụng từ 300-400 kWh mỗi tháng có thể hoàn vốn nhanh chóng nếu đầu tư hệ thống áp mái này.

“Ban ngày sẽ sử dụng được điện mặt trời, có thể giảm được tiền điện, giảm được lượng điện tiêu thụ của EVN. Nếu ban ngày đi làm, không sử dụng điện đó, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo. Nói cách khác, toàn bộ các hộ gia đình có thể lắp điện áp mái để bán điện lại cho EVN”, ông nhấn mạnh.

Hiện nay công suất điện áp mái ở Việt Nam vào khoảng 17 triệu kWh. Sau khi Thủ tướng có quyết định. EVN sẽ thông tin các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ vay vốn cho các hộ gia đình.

“Công suất 3-5 kW không phải to lắm nhưng Việt Nam có 30 triệu hộ. Chỉ cần 1 triệu hộ có điện áp mái, trung bình có công suất 2 kW sẽ sản sinh lượng điện 3.000 MW. Đây là con số khủng”, ông nói.

Theo như tính toán của lãnh đạo EVN, 3.000 MW gần bằng công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) cộng với công suất Nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW).